Có rất nhiều bạn quan tâm đến chậu trồng lan, chưa biết chọn loại nào cho thích hợp. Mỗi giống lan đều có những loại chậu phù hợp hoặc chuyên dụng. Trong bài viết hôm nay, vothong.com xin giới thiệu đến các bạn top 5 chậu trồng lan hồ điệp được ưa chuộng nhất, nhũng loại lan khác sẽ được giới thiệu ở một bài riêng bạn nhé!
5 loại chậu trồng lan hồ điệp được chọn nhiều nhất
1. Chậu nhựa trồng lan hồ điệp
Chậu nhựa trồng lan hồ điệp có 2 loại. Đó là chậu nhựa cứng đen và chậu nhựa mềm dẻo màu trắng. Đây là loại chậu phổ biến nhất do giá thành rẻ, nhẹ và dễ sử dụng, phù hợp với các nhà vườn, người chơi có số lượng cây lớn.
Chậu nhựa cứng
Chậu nhựa cứng đen có nhiều kích cỡ khác nhau, phổ biến nhất là các size có đường kính 13, 16, 21 cm phù hợp với các giai đoạn tuổi của lan hồ điệp. Đặc điểm của chậu này là đế cao, có nhiều lỗ ở đáy, xung quanh có rất nhiều khe trống. Bên cạnh đó chậu cũng được thiết kế có các khía cạnh giúp bạn vừa treo được, vừa đặt trên giàn được.
Nhược điểm của chậu này theo mình thấy đó là không có khả năng giữ lại nước, khá thông thoáng, nên giá thể trồng lan hồ điệp cần phải giữ ẩm tốt. Nên bạn lưu ý khi sử dụng chậu này để trồng lan hồ điệp nhé.
Xem thêm: Kỹ thuật đúng khi trồng lan cần những gì?
Chậu nhựa dẻo màu trắng
Chậu này được sử dụng nhiều khi trồng lan hồ điệp trong nhà lưới, hay nhà kính. Ưu điểm của loại này là nhựa trắng mềm dẻo, dễ dàng lấy cây ra khỏi chậu. Chậu màu trắng cho phép ánh sáng có thể xuyên qua, tiếp xúc với rễ. Như các bạn đã biết, rễ lan có khả năng quang hợp tụ tổng hợp chất dinh dưỡng nên khi sử dụng chậu trắng này giúp cây phát triển tốt hơn.
Chậu nhựa trắng với nhiều kích thước khác nhau, phù hợp với giai đoạn vườn ươm, hoặc vườn sản xuất với quy mô lớn. Chậu có giá thành rẻ, nhẹ, dễ sử dụng.
Nhược điểm của chậu là chỉ có lỗ thoát nước ở dưới, giá thể trồng lan trong chậu này thường là dớn, khả năng giữ nước khá nhiều. Vì vậy, khi sử dụng chậu này bạn cần chú ý đến lượng nước tưới nhé. Bên cạnh đó, chậu trắng, giá thể ẩm nên xuất hiện khá nhiều tảo, rong rêu trên bề mặt và bên trong chậu.
2. Chậu đất nung
Đây cũng là một loại chậu được nhiều người yêu lan ưa chuộng. Chậu có độ bền cao, thích hợp với nhiều loại lan. Bên cạnh đó, chậu đất nung cũng giữ ẩm và lưu thông không khí khá tốt.
Nhược điểm của loại chậu này là khối lượng nặng, giá thành cao, phù hợp với các bạn chơi lan sưu tầm hơn là các nhà vườn.
3. Chậu sứ tráng men
Chậu sứ tráng men thường thích hợp để trồng các loại lan hồ điệp đại. Những chậu này thường có kích thước lớn, phù hợp để làm quà tặng khai trương, trưng bày trong nhà. Các loại chậu sứ tráng men này thường bên trong sẽ chứa tầm hơn 5 chậu lan hồ điệp nhỏ nữa. Với nhiều kiểu dáng, màu sắc, chất liệu sứ tráng men sang trọng phù hợp để decor văn phòng, cửa hàng,..Nhược điểm của loại chậu này là giá thành cao, trọng lượng nặng.
4. Chậu gỗ
Với bàn tay khéo léo của người thợ, các loại chậu gỗ trồng lan hồ điệp đã được tạo thành. Đặc điểm của loại chậu này là hoàn toàn bằng gỗ với tạo hình độc đáo, mang tính nghệ thuật. Hình dạng phổ biến của loại chậu này là hình con thuyền.
Cũng giống như chậu sứ, loại chậu gỗ trồng lan hồ điệp này thường được dùng để làm quà tặng khai trương, bạn bè, decor văn phòng. Tất nhiên, giá của các loại chậu gỗ này cũng khá đắt đỏ.
5. Chậu trồng lan bằng gáo dừa
Nếu bạn là người yêu thích sự mộc mạc, giản dị, thì gáo dừa là một lựa chọn phù hợp. Phần gáo dừa được làm sạch, mài nhẵn lớp vỏ bên ngoài. Ở mặt ngoài gáo, người ta còn khắc họa thêm các hoa văn cho sinh động.
Ưu điểm của chậu gáo dừa là nhẹ, độ bền vừa phải tầm 2 – 3 năm. Nhược điểm là cần làm sạch phần cơm dừa bên trong để tránh nấm mốc. Bạn có thể xử lý chậu bằng cách ngâm nước vôi trước khi trồng.
Cách trồng lan hồ điệp vào chậu
Đầu tiên bạn chọn giá thể trồng lan thích hợp. Lan hồ điệp là loài lan ưa ẩm, nên giá thể trồng lan cần phải giữ được ẩm. Thông thường bạn trộn 70 – 80% vỏ thông size 1- 2cm và 30 – 20% đá bọt pumice size 1 – 2cm. Sau đó, bạn phủ một lớp dớn hoặc rêu rừng lên trên bề mặt chậu để giữ ẩm. Bạn có thể tham khảo thêm các công thức giá thể khác tại đây.
Hỗn hợp đá bọt pumice và vỏ thông sẽ giúp cho giá thể thông thoáng, rễ phát triển tốt. Bên cạnh đó, đá bọt còn có khả năng giữ hơi ẩm bên trong, điều hòa nhiệt độ vùng rễ.
Xem thêm: Những điều cần biết về vỏ thông trồng lan
Các bước thay chậu cho lan hồ điệp:
Bước 1: Gỡ bỏ toàn bộ giá thể cũ, cắt bỏ rễ khô, rễ hư, giữ lại phần rễ trắng, rễ tươi. Rửa sạch rễ và nhúng rễ vào dung dịch thuốc trừ nấm pha loãng.
Bước 2. Chọn chậu trồng lan hồ điệp. Cây nhỏ chọn chậu nhỏ, cây lớn chọn chậu lớn. Cho giá thể vào 1/2 chậu, đặt cây lan vào và cho tiếp phần còn lại. Lưu ý, hồ điệp là lan đơn thân nên bạn đặt giữa chậu là tốt nhất.
Bước 3. Đặt chậu cây nơi mát mẻ 2 – 3 ngày, sau đó đưa ra khu vực trồng và tưới nước, chăm sóc bình thường.
Trên đây là những chia sẻ của Vothong.com về chậu trồng lan hồ điệp. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp các bạn chọn loại chậu phù hợp cho hoa của mình.